Trung tâm Y tế Thành phố Bắc Gianghttps://trungtamytetpbg.com/uploads/untitled2.png
Thứ năm - 12/01/2023 22:27
Để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, đảm bảo sức khỏe. Trung tâm Y tế thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện truyền thông đến người dân trên địa bàn thành phố: Tiếp tục phòng chống dịch bệnh và biến chủng Covid - 19; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết; Phòng bệnh mùa đông cho người cao tuổi, trẻ em; Phòng tránh ngộ độc rượu bia ngày Tết.
1. Chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa Đông – Xuân, trong dịp Lễ Tết Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa Đông - Xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp; thời gian tới là dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa Đông – Xuân, trong dịp Lễ Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, như: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch ...; chú trọng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh. 2.Đảm bảo an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, đảm bảo sức khỏe. Cần truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dung về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý an toàn thực phẩm; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, phổ biến các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, cơ sở. Tiến hành thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ thành phố đến xã/phường. Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Nêu gương các điển hình tiên tiến về mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Đối với người tiêu dùng thực phẩm: Cần tăng cường công tac tuyên truyền hướng dẫn người dân chọn mua thực phẩm, cách chế biến thực phẩm an toàn; Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn; Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi, thiu, mốc, hỏng. Cần huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dung cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. 3. Phòng bệnh cho trẻ em và người già khi thời tiết rét đậm, rét hại Những ngày gần đây, nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc xuống thấp, trời rét đậm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mọi người, nhất là những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai… Theo các chuyên gia y tế, vào mùa Đông số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Vì vậy chủ động phòng tránh có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe, nhất là người già, trẻ em và người có các bệnh mãn tính về đường hô hấp. Sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió (thay đổi vì khí hậu) đã tác động rất nhiều đến sức khỏe của mỗi người, làm suy giảm sức chống đỡ từ đó tạo cơ hội cho các bệnh, nhất là các bệnh hô hấp bùng phát. Người già, trẻ em, đặc biệt là những người có các bệnh lý hô hấp mãn tính như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản… là những đối tượng hay bị tái phát dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp đe dọa đến tính mạng. Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể. Bên cạnh đó, giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Bởi vì hệ hô hấp rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi nhiệt độ thấp (lạnh) kèm với độ ẩm cao (do mưa gió) cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp trên; viêm phế quản phổi. Khi nhiễm lạnh, những người có bệnh mãn tính sẽ dễ bùng phát các bệnh như hen phế quản (bùng phát cơn hen), ứ dịch gây khó thở ở những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; thở khò khè, khạc đờm do đợt cấp ở những bệnh nhân viêm phế quản mãn tính… Mọi người giữ ấm cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể; mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ; ăn uống thức ăn nóng ấm, tốt nhất là uống trà gừng nóng có thêm ít đường phèn. Nếu không cần thiết thì không nên ra bên ngoài khi trời quá lạnh hay mưa. Nhưng nếu vì một lý do nào phải làm việc ngoài trời hay ra ngoài khi trời mưa thì phải đội mũ che kín tai để tránh nước vào tai gây viêm nhiễm (viêm tai giữa), viêm họng, viêm xoang… * Giữ ấm cơ thể cho trẻ em và người già Các bác sỹ khuyến cáo, đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc đủ ấm cho trẻ vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Thời tiết những ngày này (cho đến đầu tuần tới) không những lạnh mà còn có độ ẩm không khí rất cao, các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ. Ngoài trẻ em thì người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh tiến triển nặng rất dễ dẫn đến viêm phổi; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp…cũng tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ. Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Ngoài ra,mặc dù trời rét nhưng người già vẫn cần chú ý uống đủ nước, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Các cụ cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch… Đồng thời, người cao tuổi vẫn nên duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết giữ gìn sức khỏe ; duy trì chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh ; tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh …/. 4. Rượu, bia và sức khỏe ngày Tết Rượu, bia là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay đặc biệt trong dịp lễ Tết. Thường trong những ngày này lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng. Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững.v.v.v) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu). Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể mù mắt và tử vong cao đặc biệt khi sử dụng rượu rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên. Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quy ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống rượu còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có nhiều tác hại như gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi. Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ hội đầu xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo như sau: Uống dưới hai đơn vị cồn /ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới (Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%) và không uống quá năm ngày trong một tuần. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với rượu cồn./.