Trung tâm Y tế Thành phố Bắc Gianghttps://trungtamytetpbg.com/uploads/untitled2.png
Thứ tư - 03/04/2024 22:49
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5/2024 trên phạm vi toàn quốc. Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp kinh doanh chế biến thực phẩm cần chú ý thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để thức ăn luôn là nguồn dinh dưỡng sức khoẻ, nguồn vui và hạnh phúc cho mỗi người.
Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 là: “ Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động năm 2024 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
* Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm: Thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn. Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản.
*Đối với người tiêu dùng: Trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình thường dùng một lượng lớn thực phẩm gồm nhiều loại: từ thịt, cá, rau, quả đến các loại đồ ăn chế biến sẵn…Vì vậy nên chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xem kỹ thời hạn sử dụng, có dấu kiểm nghiệm của Y tế và cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Chọn thực phẩm tươi an toàn.
Nấu chín kĩ trước khi ăn.
Ăn ngay sau khi nấu.
Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín.
Nấu lại thức ăn thật kĩ.
Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn.
Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác.
Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn.
Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác
Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Vì sức khoẻ của mỗi con người, của cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã, hội hãy “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Mọi người dân, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh chế biến thực phẩm cần chủ động giữ gìn, thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội./.